HƯỚNG DẪN THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY XÁC NHẬN NỘI DUNG QUẢNG CÁO MỸ PHẨM

Mỹ phẩm là sản phẩm rất quen thuộc với mỗi người trong cuộc sống hằng ngày như: Các sản phẩm chăm sóc da (kem dưỡng da, serum, essence, nước hoa hồng, nước tẩy trang …), các sản phẩm chăm sóc tóc (dầu gội, dầu xả, thuốc nhuộm tóc…), kem đánh răng, nước súc miệng, dung dịch vệ sinh phụ nữ…

Để các sản phẩm được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, quảng cáo là một hoạt động rất cần thiết. Tuy nhiên, mỹ phẩm là một loại hàng hoá đặc biệt, cần tiến hành thủ tục xin cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo trước khi tiến hành quảng cáo và nội dung quảng cáo phải đúng với nội dung đã được Sở y tế xác nhận trong Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã cấp.

1. Các loại Giấy xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm

Tương ứng với phương tiện truyền tải, hình thức quảng cáo mỹ phẩm có các loại giấy xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm phù hợp. Để quảng cáo 1 sản phẩm mỹ phẩm ra dưới tất cả các hình thức, phương tiện quảng cáo cần xin cấp ít nhất 4 Giấy xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm, bao gồm:
– Quảng cáo poster, báo chí, website, màn hình chuyên quảng cáo, tờ rơi, hai bên hông phương tiện giao thông, trang thương mại điện tử, internet,… (tồn tại dưới dạng bài viết, thiết kế hình ảnh … gọi chung là “maket” (Maquette))
– Quảng cáo thông qua hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện
– Quảng cáo trên truyền hình và các thiết bị công nghệ khác (Tồn tại dưới hình thức clip TVC)
– Quảng cáo trên truyền thanh (Tồn tại dưới hình thức file ghi âm mp3)

2. Xin cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm tại cơ quan nào?

Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với Mỹ phẩm của cơ sở đứng tên trên phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm có trụ sở chính đặt tại địa bàn quản lý của Sở Y tế (Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường – Mục số 8 Phiếu công bố mỹ phẩm); Trường hợp quảng cáo mỹ phẩm thông qua hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện thì Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi dự kiến tổ chức hội nghị, hội thảo, sự kiện cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo;

3. Đơn vị nào cần xin cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm?

Công ty nhập khẩu, công ty chịu trách nhiệm về sản phẩm trên thị trường Việt Nam, công ty phân phối sản phẩm … muốn quảng cáo sản phẩm đều cần xin cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm trước khi tiến hành quảng cáo sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cần lưu ý, với những đơn vị không phải là công ty chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường (đơn vị đứng tên trên phiếu công bố sản phẩm hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam của đơn vị đứng tên trên phiếu công bố sản phẩm), muốn quảng cáo cũng như xin Giấy xác nhận nội dung quảng cáo cần được đơn vị đứng tên trên phiếu công bố sản phẩm ủy quyền bằng văn bản.

4. Nội dung quảng cáo

– Quảng cáo mỹ phẩm phải có các nội dung sau đây:

+) Tên mỹ phẩm;

+) Tính năng, công dụng của mỹ phẩm;

+) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;

+) Các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế .

– Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

– Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín, bài viết của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế khác;

– Quảng cáo mỹ phẩm trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng tên mỹ phẩm, tính năng công dụng, các cảnh báo.

– Tiếng nói, chữ viết, hình ảnh trong quảng cáo phải bảo đảm ngắn gọn, thông dụng, đúng quy định tại Điều 18 của Luật quảng cáo. Cỡ chữ nhỏ nhất trong nội dung quảng cáo phải bảo đảm tỷ lệ đủ lớn để có thể đọc được trong điều kiện bình thường và không được nhỏ hơn tỷ lệ tương đương cỡ chữ Vntime hoặc Times New Roman 12 trên khổ giấy A4.

– Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu sau đây:

+) Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm;

+) Tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả của mỹ phẩm và tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của hiệp hội quốc tế (nếu có).

+) Tính năng, công dụng của sản phẩm phải phù hợp với bản chất của sản phẩm, phân loại sản phẩm và tính năng, công dụng đã được công bố theo quy định của pháp luật.

– Không vi phạm hành vi cấm trong Luật Quảng cáo (Điều 8)

+ Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng.

+ Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

+ Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.

+ Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

+ Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật.

+ Quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.

+ Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

+ Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

+ Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.

+ Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

+ Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

+ Quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.

+ Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em.

+ Ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo trái ý muốn.

+ Treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.

5. Hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm

– Văn bản đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo theo mẫu quy định;

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài;

– Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

– Nội dung đề nghị xác nhận quảng cáo:
+ Nếu quảng cáo trên báo nói, báo hình thì phải có 01 bản ghi nội dung quảng cáo dự kiến trong đĩa hình, đĩa âm thanh, file mềm kèm theo 03 bản kịch bản dự kiến quảng cáo, trong đó miêu tả rõ nội dung, phương tiện dự kiến quảng cáo, phần hình ảnh (đối với báo hình), phần lời, phần nhạc;
+ Nếu quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo không phải báo nói, báo hình thì phải có 03 bản ma-két nội dung dự kiến quảng cáo in mầu kèm theo file mềm ghi nội dung dự kiến quảng cáo;
+ Nếu quảng cáo thông qua hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện: Ngoài các tài liệu quy định tại điểm này phải có các tài liệu: mẫu quảng cáo sử dụng trong chương trình đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt còn hiệu lực (trong trường hợp mẫu quảng cáo đã được duyệt nội dung), chương trình có ghi rõ tên nội dung báo cáo, thời gian (ngày/tháng/năm), địa điểm tổ chức (địa chỉ cụ thể); nội dung bài báo cáo và tài liệu trình bày, phát cho người dự; bảng kê tên, chức danh khoa học, trình độ chuyên môn của báo cáo viên ( báo cáo viên phải có bằng cấp chuyên môn, trình độ phù hợp với lĩnh vực sản phẩm, hàng hóa dịch vụ được quảng cáo).
+ Tài liệu hợp lệ, tin cậy chứng minh cho tính năng, công dụng của sản phẩm trong trường hợp nội dung quảng cáo mỹ phẩm nêu tính năng, công dụng của sản phẩm không có trong nội dung của Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền cấp số tiếp nhận.

–  Các yêu cầu khác đối với hồ sơ: Trường hợp đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo là đơn vị được ủy quyền thì phải có các giấy tờ sau đây:
+ Văn bản ủy quyền hợp lệ;
+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài của đơn vị được ủy quyền.

– Tài liệu tham khảo, chứng minh, xác thực thông tin trong nội dung quảng cáo:
+ Các tài liệu bằng tiếng Anh phải dịch ra tiếng Việt kèm theo tài liệu gốc bằng tiếng Anh. Bản dịch tiếng Việt phải được đóng dấu xác nhận của đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo;
+ Các tài liệu bằng tiếng nước ngoài không phải là tiếng Anh phải dịch ra tiếng Việt và kèm theo tài liệu gốc bằng tiếng nước ngoài. Bản dịch tiếng Việt phải được công chứng theo quy định của pháp luật.

– Các tài liệu trong hồ sơ được in rõ ràng, sắp xếp theo trình tự quy định, giữa các phần có phân cách bằng giấy màu, có trang bìa và danh mục tài liệu;

– Các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo phải còn hiệu lực, là bản sao chứng thực hoặc bản sao có đóng dấu của đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo. Các tài liệu trong hồ sơ phải có dấu, dấu giáp lai của đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo;

– Mẫu nội dung quảng cáo được trình bày trên khổ giấy A4. Mẫu hình thức quảng cáo ngoài trời khổ lớn có thể trình bày trên khổ giấy A3 hoặc khổ giấy khác và ghi rõ tỷ lệ kích thước so với kích thước thật.

6. Thời hạn xử lý

– Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ theo dấu tiếp nhận công văn đến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản đề nghị đơn vị sửa đổi, bổ sung. Thời gian để đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu tối đa là 90 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo sửa đổi, bổ sung của cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Quá thời hạn này thì hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo hết giá trị.

– Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo dấu tiếp nhận công văn đến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo theo mẫu quy định tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp không cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do không cấp.

– Đối với quảng cáo thông qua hình thức hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện:
+ Trước khi tiến hành việc quảng cáo ít nhất 02 ngày làm việc, tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế đã được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với hình thức hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện phải có văn bản thông báo về hình thức, thời gian và địa điểm quảng cáo kèm theo bản sao giấy xác nhận nội dung quảng cáo, mẫu quảng cáo hoặc kịch bản quảng cáo đã được duyệt cho Sở Y tế nơi tổ chức quảng cáo để thanh tra, kiểm tra trong trường hợp cần thiết;
+ Trường hợp có thay đổi về địa điểm, thời gian tổ chức hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện so với nội dung ghi trên giấy xác nhận nội dung quảng cáo, tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo phải thông báo tới Sở Y tế địa phương nơi tổ chức trước khi tiến hành việc quảng cáo ít nhất 02 ngày làm việc.

– Thủ tục đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo được thực hiện lại từ đầu trong các trường hợp sau đây:
+ Đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo sửa đổi, bổ sung hồ sơ không theo đúng văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung của cơ quan tiếp nhận hồ sơ;
+ Đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo sửa đổi, bổ sung hồ sơ không theo đúng thời hạn quy định (quá 90 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo sửa đổi, bổ sung)

7. Lệ phí nhà nước xin Xác nhận nội dung quảng cáo: 1.600.000 VNĐ/ lần/ sản phẩm

8. Cách thức nộp hồ sơ: Trực tiếp/ qua bưu điện/ dịch vụ công cấp độ 4 (tuỳ từng Sở Y tế)

Nếu gặp bất cứ nút thắt nào cần tháo gỡ, hãy liên hệ với SUM VIỆT NAM để được hướng dẫn, tư vấn, tháo gỡ nút thắt chính xác, tối ưu và hiệu quả nhất!

Liên hệ với chúng tôi qua:

Hotline: 0973.951.730 / 0912.772.398

Email: sumvn.giayphep@gmail.com

Bài viết liên quan
Chat Zalo
091.277.2398